Country
Về quê
Cậu út ở quê gọi điện thoại cho mẹ tôi vào sáng sớm khi tôi vẫn còn đang ngủ mê mệt sau một chuyến bay dài. Cậu không muốn đánh thức tôi dậy, nhưng nhắn với mẹ bảo tôi mấy hôm nữa về quê chơi nhá, cậu mợ mong gặp thằng cháu để xem sau 2 năm trông có khác gì không, có chững trạc được thêm chút nào không.
Ngày trước, tức là cách nay khoảng chừng hơn 10 năm, khi tôi vẫn còn đang ở những năm đầu cấp II, cứ mỗi dịp hè về thì niềm vui lớn nhất của tôi là được đi chơi nhà họ hàng. Thường thì những chuyến đi đó là phần thưởng của danh hiệu học sinh tiên tiến. "Đi chơi nhà họ hàng", cụm từ đó nghe ra có vẻ như tôi nhiều họ hàng lắm nhưng thực ra cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn, hoặc là về quê thăm bà ngoại, thăm cậu mợ út và chơi với mấy thằng em cũng trạc tuổi tôi, lang thang khắp nơi xem nhà quê làm việc hoặc không thì ra Hải Phòng chơi với cậu lớn. Nếu năm trước đã về quê thì năm nay đi Hải Phòng chơi hoặc ngược lại, cũng có năm may mắn thì được đi chơi cả 2 nơi.
Về quê nhé.
Hồi đó cứ nghĩ đến về quê, xen lẫn trong niềm háo hức thích thú bao giờ cũng kèm theo một niềm kinh hãi khi tưởng tượng ra cảnh phải đi ô tô khách từ Hà Nội đến tận Hải Hậu. Tôi vốn bị say xe, và cả bây giờ vẫn thế, bởi vậy mà việc chen vai thích cánh trên một chiếc xe khách tồi tàn, giữa những bao gạo và rọ lợn, giữa mùi thuốc lá đậm đặc cùng mùi mồ hôi chua loét, giữa tiếng xe rầm rập và âm thanh nôn ọe của bản thân làm tôi phát bệnh. Ngoài việc uống mấy viên thuốc vừa chống say, vừa an thần thì rốn bao giờ cũng được xoa cao Sao Vàng và cổ tay có buộc một miếng gừng đập dập trong khăn mùi xoa. Và cứ khi xe đến Phủ Lý là tôi bắt đầu dùng đến cái túi ni lông thứ 2, hoặc thứ 3 nếu hôm đó tôi phải ngồi đằng cuối.
Về quê cũng thích, nhưng chỉ được mấy ngày đầu, chứ còn sau lại nhớ nhà, kiểu nhớ tivi với cả truyện tranh vậy. Nhà cậu tôi hồi đó so với ở quê cũng không phải là diện quá khó khăn, nhưng mà cũng chưa có tivi, và nếu muốn bật quạt thì hay phải đợi cậu về hạ cái quạt Điện Cơ được bọc trong mấy lần ni lông xuống, dòng dây điện từ xà nhà rồi thì mới ngồi mát được chừng một hai tiếng. Buổi đêm hay mất điện nên thường khó ngủ, tại tiếng ếch kêu ngay cạnh cửa sổ, với cả nóng quá. Thế nên mợ thường hay kêu tôi qua nằm chung với 2 thằng em họ, để mợ quạt cho cả 3 đứa, lúc đấy thì tôi mới dỗ giấc được.
Ban ngày thì ngoài việc chạy chơi loăng quoăng, tôi thích nhất được ăn mấy thứ mà ở trên Hà Nội người lớn không cho ăn vì sợ đau bụng. Đầu tiên là ốc, ở dưới ao mò lên. Tôi chê bẩn không xuống, thế nên ngồi trên bờ giữ rổ để 2 thằng em xuống mò. Ốc ao nhà không to lắm, nhưng béo ( về sau tôi mới biết ốc béo là ốc mà cái vẩy của nó nằm sát ra bên ngoài, còn con to nhưng yếm thụt vào trong thì vẫn bị gọi là ốc gầy). Luộc với lá chanh, lá bưởi, lá sả rồi nhể bằng gai bồ kết. Chẳng ăn được nhiều nhưng cũng thích. Hoặc có món khác là món rau lang xào. Bây giờ thì rau lang lại thành mốt, nhưng hồi đó, khi mà ngày nào ở nhà cũng chỉ được ăn rau muống xào với dầu ăn, thì đĩa rau lang xào tỏi ở quê đúng là khác hẳn. Có thể vì ở quê không ăn dầu mà thay bằng mỡ lợn, nên hương vị cũng đậm đà hơn chăng !Cọng rau lang xanh mướt, bóng bóng nằm trên cái đĩa sứ Hải Dương xấu xấu trông lại thật là đẹp, tôi vẫn nhớ hình ảnh đấy đến tận bây giờ.
Ở quê hoa quả cũng nhiều, và rẻ. Tuy mợ tôi nói là quả nào ngon thì đã phải mang ra chợ rồi, nhưng được tận tay đỡ quả mít còi từ trên cây xuống thì cái cảm giác thích thú vẫn hơn khi được ăn mít bóc sẵn ngoài chợ ở Hà Nội. Phải tự mình bóc cơ, xong rồi lấy cái lá mướp xoa đi cho hết nhựa, đoạn móc từng múi ra bỏ tọt vào mồm mới gọi là khoái trá. Sơ mít có khi được muối lên, ăn ngọt ngọt lợ lợ, chả bổ beó gì chỉ được cái là lạ, hạt mít thì cũng có khi mợ mua sườn về nấu cùng, thay khoai sọ, ăn bùi đáo để. Về quê tôi cũng hay được ăn kem, cái thứ kem nhiều màu rẻ tiền và mất vệ sinh, nếu mẹ tôi thấy thể nào cũng mắng là ăn vào đau bụng, nhưng về quê tôi hay khao 2 thằng em loại kem đấy. Đứa nào cũng thích,
Nếu lần nào mà chuyến về quê của tôi lại được áp tải bởi người lớn thì tôi sẽ được dẫn đi thăm nhà những ông bà, chú bác họ hàng xa. Có nhiều người tôi không biết quan hệ của họ với bố mẹ tôi như thế nào, hoặc là có được giải thích nhưng rồi tôi cũng nhanh chóng quên mất, chỉ có một điều tôi còn nhớ, là ở đâu chúng tôi cũng được tiếp đón thật là tình cảm. Đến nhà nào cũng được mời uống nước, mời ăn cái nọ cái kia. Có khi là củ sắn luộc, có khi cái bánh nhãn vừa khô vừa cứng. Tôi thì không thích lắm, nhưng bố mẹ thì lúc nào cũng cảm ơn và ăn với thái độ quý hóa và trân trọng. Mẹ bảo là con đừng chê quà nhà quê, các bác nghèo nhưng tình cảm mới là cái quý, mẹ con mình về quê cũng là để các con biết được họ hàng làng xóm, quê cha đất tổ, biết được ngày xưa bố mẹ sống như thế nào, chứ không phải vì để ăn cái này cái kia. Tôi cũng ậm ừ, nhưng quả thật thấy bánh nhãn không thể ngon bằng kẹo cà phê với cả kẹo hoa hồng được, dù mẹ có nói gì đi nữa ...
Về quê được đi tắm ở dưới ao, ban đầu thấy ghê ghê vì mọi chuyện từ rửa rau, vo gạo, cho đến giặt quần áo hay tắm táp đều làm cùng 1 chỗ, sau rồi cũng quen, có lẽ tại cộng thêm việc đọc những truyện thiếu nhi của các nhà văn Võ Quảng, Vũ Tú Nam đều có miêu tả về quê chơi thích nhất là đằm trong ao. Chúng tôi chặt cả cây chuối đang có hoa của cậu để làm bè, rồi lấy chăn dù làm cái lều nhỏ nhỏ bên trên, chui vào trong ngồi chật cứng. Ngồi chán lại rã bè ôm từng cây một tập bơi. 2 thằng em bơi giỏi, riêng tôi uống nước ao mấy lần vẫn chẳng được tích sự gì đâm chán.
Kỳ nghỉ hè cứ thế trôi đi. Thường tôi ở quê từ 10 ngày đến 2 tuần. Lúc về, trong ba lô hay có thêm gói bánh nhãn (đặc sản quê tôi mà), ít lạc nhân hay gạo nếp, có thể thêm gói hoa hòe cậu biếu mẹ uống cho hạ huyết áp, một chai mật ong hay vài thức quà quê dân dã khác. Và kèm theo một lời hẹn, là năm sau nghỉ hè cháu lại về chơi.
Cứ thế cứ thế, có năm tôi về, có năm mấy thằng em lên nhà tôi chơi. Sau dần cũng ít dịp, tại nghỉ hè lại phải đi học hè, rồi phần cũng ngại về quê buồn, ở Hà Nội thích hơn. Cậu mợ tôi mấy năm sau bán nhà trong làng, chuyển ra ngoài mặt đường mở hiệu thuốc tây. Ao chẳng có, cây cối chỉ toàn loại nhỏ nhỏ trồng trong chậu, các em nhà cậu mợ sau rồi lên đại học cũng học ở Hà Nội luôn. Chúng tôi hay gặp nhau, nhưng câu truyện thì đã khác hẳn hồi bé.
...
Lần này về quê chơi tôi chỉ đi một mình, các cậu em đứa bạn đi học, đứa lại đi làm. Mọi thứ ở quê giờ đã khác. Người già đi, cảnh mới hơn , nhiều người thân của gia đình nay đã không còn nữa. Cậu mợ tôi thì quý hóa tôi lắm, cho ăn hết cái này đến cái kia, nhà bây giờ neo người vì 2 thằng em ở Hà Nội, chỉ còn 2 ông bà gần già đi ra đi vào, chẳng mấy khi có người để ép ăn cái này cái khác nên có tôi thì cậu mợ cũng vui.Quê bây giờ, và quê của lúc tôi còn nhỏ chẳng có mấy cái giống nhau, duy có tình cảm con người là vẫn vậy, và có một điều mà từ khi tôi còn bé đến giờ không thay đổi, là mỗi lần ở quê ra, tôi lại có thêm một điều để xuy nghĩ. Đợt về lần này có một lần tôi trở mợ đi chút việc vào buổi tối, hai mợ cháu đi trên con đường liên huyện. Trời tối nên có rất nhiều loài côn trùng bay rào rào trước ánh đèn xe máy. Hai bên đường tối om, chỉ có bóng những cây phi lao lướt qua, xa xa vào trong xóm mới có một ngọn đèn. Hai mợ cháu nói khá nhiều chuyện trên trời dưới biển, có lẽ bởi mợ sợ tôi chạy lâu buồn ngủ. Mợ có nói một câu : “N. biết không, hồi trước , khi mà mỗi mùa hè mợ cho 2 em lên Hà Nội chơi với anh N., đến khi về, bọn nó đều bảo là ở Hà Nội thích hơn, vì lúc nào cũng có đèn, và có quạt. Thế nên chúng con phải cố gằng học giỏi để sau này được ở trên Hà Nội, để lúc nào cũng có đèn và có quạt”. Tôi lặng im không nói gì, nhưng trong lòng chợt nghĩ, phải chăng chính tại những thứ rất bình thường đó lại là động cơ để các em tôi phấn đấu ngay từ bé , để được hưởng những cái tạm gọi là tiện nghi. Còn tôi, có khi tại hay được an kẹo cà phê , được nằm quạt thoải mái để xem Tây Du Ký nên giờ đây vẫn lang thang ở đây.
Có nhẽ thế thật.
22.10.2006
Kommentare
Kommentar veröffentlichen