Entry for today

Chị Linh và bạn Linh giục mình viết gì đó, mà mình thì chẳng biết nên viết về cái gì và bắt đầu từ đâu.

Thôi thì lại kể lể vậy.

Dạo này thời tiết thất thường kinh khủng. Có hôm đang trên đường về thì trời mưa, mưa nhanh đến mức chưa kịp tìm một bóng cây hay nhà chờ xe Bus để tránh thì đã ướt hết cả. Trời đang nóng hầm hập bỗng nhiên mát lạnh, thoạt đầu còn cảm thấy sung sướng nhưng thực ra sự bất thường như vậy không phải là một dấu hiệu tốt. Cũng giống như khi người ta đang quen với một nỗi buồn mặc định thì thường quá hồ hởi và vội vã trong việc ngấu nghiến cái hạnh phúc đột nhiên chợt đến, và thiếu cảnh giác để nó làm ta thậm chí tổn thương hơn cả lúc trước.

I need time !
I need time !
I need time !

Có một sự kiện đau lòng trong tuần vừa rồi, đấy là mình bị đau răng. Từ trước tới nay mình luôn chủ quan là răng miệng chẳng bị vấn đề gì cả. Tất nhiên thỉnh thoảng đánh răng bị chảy máu tí chút nhưng nghĩ là không sao, không bị sâu răng cái nào và hàm cũng không bị tật gì. Thế rồi bị sưng lợi, thoạt đầu tưởng nhẹ mà về sau càng ngày càng đau, cảm giác đến mức chỗ đau đó chân răng không còn chắc, sắp lìa ra đến nơi.

Thế là đến bác sỹ nha khoa.
Ngồi đợi ... 3 tiếng mới được đến lượt.

Ngay câu đầu tiên bác sỹ nói luôn " Sieht so schlimm aus ", sau đó bắt mình đi chụp phim chỗ đau đó ( 2 răng cửa số 2 và 3 ). Chụp xong, bác sỹ xem và quyết định phải chụp cả hàm vì vấn đề không nhỏ chút nào. Tim đập mạnh, tì cằm lên cái giá đỡ để chụp mà không hiểu mình bị cái gì nghiêm trọng đến thế ???

Nửa tiếng sau bác sỹ đi vào.
Trên màn hình là phim X quang của bộ hàm.

Nhìn trênphim thì nó không ở trong tình trạng tốt như mình vẫn tưởng. Theo lời giải thích của bác sỹ thì như sau ( thực ra không hiểu 100 %, nhưng vừa nghe vừa nhìn cộng thêm ...phán đoán thì nó là thế này ):

Răng cắm vào nền tảng là xương hàm. Cắm càng sâu thì càng chắc. Răng của người châu Á nói chung phần cắm vào xương hàm nông hơn đối với người Châu Âu và Phi. Trong trường hợp của mình, xương hàm còn bị tổn thương do viêm nên phần "nền tảng " bị tiêu hủy / teo đi , nếu để lâu sẽ làm cho răng yếu và thậm chí bị rụng. Bác sỹ chỉ ra một rãnh nằm giữa 2 răng bị đau ( chính là chỗ lợi bị sưng ). Nó sâu hơn bình thường và dần dần tạo thành một chỗ khuyết. Theo lời BS nó còn là ổ để vi khuẩn cư trú và dễ lan nhanh đến những răng khác / nền lợi xung quanh nếu không được chữa kịp thời. Bác sỹ kể ra viễn cảnh 2 cái răng đấy sẽ rụng đi ( ôi nụ cười hồi mọc răng bây giờ chẳng lẽ lại quay trở lại à ), sau đó 2 cái răng bên cạnh ( là số 1 và 4 ) vì phải chịu tải của 2 cái đã khuyết cũng sẽ trở nên yếu hơn và rụng tiếp...( viễn cảnh đen tối của một hàm lợi móm mém...)

Việc đầu tiên là BS làm sạch hàm răng. Mình tự tin không dùng thuốc tê và cuối cùng không chịu nổi phải xin BS tiêm cho một mũi. Âm thanh các dụng cụ bằngkim loại thao tác trên xương hàm làm mình ám ảnh đến tận hôm nay. Bác sỹ thẳng tay rạch lợi và chét thuốc vào, sau đó tống cho một đơn bắt mua thuốc về uống. Từ hôm đó đến nay cứ cách 2 ngày lại phải đến phòng khám từ lúc 7h 15 để BS kiểm tra, lần nào cũng bị vạch môi lên rất đau, bị tiêm thuốc sát trùng chảy cả nước mắt.
Thôi thì thiếu hiểu biết nên giờ phải chịu hậu quả vậy.

Nguyên nhân chủ quan ( theo mình )

1. Việc đầu tiên đó là do cao răng không được lấy định kỳ. Cao răng do các mảng bám từ khoáng chất hình thành quanh chân răng hoặc thậm chí trên bề mặt nhai của răng ( với răng hàm ). Nó tùy thuộc vào vệ sinh răng miệng của từng người hoặc cơ địa mà nhiều hay ít. Cao răng sẽ làm phần lợi bám quanh chân răng bị "tách" với răng, lâu ngày tụt xuống và làm cho vi khuẩn có cơ hội làm tổ ở chân răng, dẫn đến viêm nhiễm và tổn thương nghiêm trọng ( như ở trên ). Mình lấy cao răng lần đầu tiên năm...20 tuổi, và lúc này đúng là đã bị hiện tượng viêm lợi/ tụt lợi mà không biết.

2. Tiếp theo là tổn thương gây ra bới việc dùng tăm. Việc chọc tăm vào lợi trong quá trình xỉa răng lâu ngày cũng dẫn đến viêm lợi, hình thành các rãnh ở giữa 2 răng liền nhau và là ổ để VK trú ngụ/ phát triển. Sau tuổi lớn mình hầu như không còn dùng tăm mà sử dụng chỉ nha khoa, tuy nhiên hệ quả của việc dùng tăm đến bây giờ vẫn còn. Chân răng hơi thưa và lợi thì bị tổn thương nghiêm trọng.

3. Cuối cùng là việc xúc miệng không đúng cách. Đánh răng thôi chưa đủ mà xúc miệng còn giúp làm sạch những nơi không nhìn thấy được, cũng như giảm bớt tác động của vi khuẩn đến những nơi dễ bị tấn công ở lợi, chân răng...

Hậu quả như bây giờ đấy.

Mọi người nên đi khám răng nếu đánh răng hay bị chảy máu, nên chăm chỉ dùng nước muối để xúc miệng. Nói chung nên quý bộ nhai của mình đừng để đến lúc lại phải nhai bằng hàm thì khổ. Mình vẫn còn mấy đợt khám nữa, khi nào lại kể tiếp cho bà con nghe !

( Entry này chả hay gì, cơ mà cần thiết. Những đoạn giải thích dài giòng trên kia là do tìm hiểu cóp về, có thể đúng hoặc không mong bà con đọc có chọn lọc nhé )

Chào chào !

Tìm hiểu thêm về tụt lợi

Kommentare

Kommentar veröffentlichen

Beliebte Posts aus diesem Blog

Ngồi ở Sài Gòn một buổi chiều đầy nắng nóng rát mặt, nhớ về một con hẻm ở Neustadt

Oscar 2020