Xem nhạc







..



Chuyện xem nhạc


Hôm nay sau một buổi sáng dậy sớm chăm chỉ như một con chim sâu chính hiệu, chiều tà rỗi rãi em bèn ngồi xem lại ổ và chợt nhận ra riêng đống DVD Thúy Nga Paris nó đã chiếm tận 98 Gb có chết không. Chả biết làm như nào bây giờ.

Ở nhà, ngoài em ra chắc chả ai thích xem mấy cái đấy cả. Ba mẹ anh chị đều không thể tiêu hóa được mấy cái ỷ eo đấy, toàn gọi Chế Linh là lính chê, hoặc mỗi lần muốn chê ai quê quê sến sến đều bảo là "giống Thanh Tuyền" thế. Buồn cười, em hồi bé từ khi chả biết họ là ai cũng đã có sẵn cái mặc cảm rằng đấy là những ca sỹ không hay, và nhạc của họ là một cái gì đó cấp thấp.

Đến tận khi học cấp 2 nhà em mới có đầu video để thỉnh thoảng được thuê phim về xem, và cũng hồi đấy mới có mấy băng ca nhạc Hải ngoại trong nhà. Nếu kể là nghe thì thực ra từ trước đã có những băng cát sét của Ngọc Lan, Kiều Nga, Kim Anh hoặc là Chế Linh, Tuấn Vũ. Nhưng không biết mặt họ, chỉ nghe và thuộc theo kiểu mưa dầm thấm lâu thôi. Còn xem thì em nhớ cái băng đầu tiên được xem chính là hồi đám cưới chị gái, ngày 3 tháng 2 năm 1993. Đó là chương trình "Đêm Sài Gòn 2", cái chương trình rất nổi tiếng nếu tính bằng số những bài Hits của nó, tỉ như là " Phố đêm", " Cơn mưa hạ" hoặc " Trái tim ngục tù"..., cũng chính bằng CT này mà Kỳ Duyên lần đầu tiên làm MC.

Thỉnh thoảng sang nhà bạn Hà còi thì em cũng được xem ké, vì nhà bạn thì rất nhiều các thể loại băng nhạc, karaoke mà hồi đấy chủ yếu kiểu Mai Cơn hoặc là Hải ngoại chứ Làn Sóng Xanh mãi sau này mới có, chưa nhắc đến vội. Thỉnh thoảng liên hoan cơm rang mì xào tự làm xong bọn em lại ngồi ở nhà bạn và gào tướng lên, ôi cái thời "Tình nhạt phai" với lại "Người tình mùa đông", "Chuyện hoa sim" nó mới thân thương làm sao. Thế là em cũng xem đều hơn, biết nhiều hơn một tí. Và dĩ nhiên một đứa mau thuộc tên nghệ sỹ như em thì hay giúp các bạn nhớ ra đây là bài gì ai hát, vân vân và vân vân.

Rồi, một ngày kia, hình như là năm một ngàn chín trăm chín tám thì phải, có một làn sóng, gọi là làn sóng xanh tràn vào cuộc đời của thế hệ chúng em

Và từ đấy chúng em chỉ còn biết rằng từ khi quen nhau thì lòng ta đã bối rối , vì những lúc lắng nghe ma cười, hoặc thậm chí có lúc trống vắng chiều nay lan trong lòng em, mình em ngồi đây chờ ai đợi ai ...
Nhạc hải ngoại chìm xuồng, thảng hoặc rơi rớt một tí ở quán karaoke .

Nhưng Làn sóng xanh mất dẫn sức hấp dẫn, hoặc ít nhất là mất sức hấp dẫn với em. Mấy năm liền xem mãi Hồng Nhung, Thanh Lam, Đan Trường phát mệt, đi đâu cũng thấy những khuôn mặt đấy, một tuần tận mấy lần truyền hình trực tiếp cũng chỉ vẻn vẹn chừng đấy khuôn mặt, hay mấy thì cũng thành nhàm, thế nên em lại tìm về nhạc hải ngoại.

Quãng 3,4 năm đó thật là khó tìm các CT ca nhạc Hải ngoại ở chợ Giời vì giờ này ca sỹ trong nước nhiều, bài mới và các show liên tục nên đồng bào không còn cần tìm đến Thúy Nga hay Asia để xem mông, xem ngực như trước, và khách quan mà nói thì các băng video của Hãng phim Trẻ hay Phương Nam phim làm có chất lượng nghệ thuật rất cao. Những băng nhạc như kiểu "Hà Nội muà vắng những cơn mưa " em nhớ 2 chị em chen chúc đợi mãi mới mua được ở chỗ Hàng Bài, năm đấy cả Tết cứ bật đi bật lại đến thuộc lòng cả cái băng. Hoặc là Duyên dáng Việt Nam ra đời đúng như kiểu một quả bom, làm những đứa thích "xem "nhạc như em phải nói là rộn ràng quá thể. Ca sỹ, diễn viên nào được góp mặt vào những CT như DDVN thì mặt mũi cứ gọi là nở hết cả nang ra, y như một cô gái nông trường qua một đêm tự dưng sáng hôm sau thấy mình chạy tung tăng trên sàn diễn của Victoria Secret, cao giá hơn hẳn. Mỹ Linh lần đầu tiên khi được lên sân khấu DDVN 2 với bài "Sayonara" hãy còn thơ ngây như một cô học sinh, Mỹ Lệ hát " 10 thương" nguyên vẹn với cái giọng Huế và điệu bộ lúng túng của lần đầu tiên được đứng trên sân khấu lớn, và Hồng Ánh khi đó mới chỉ là một cô sinh viên trường múa mới chập chững vào nghề. Đến giờ, khi mà DDVN lên đến số bao nhiêu ( em chả nhớ nổi ) thì họ đã được mệnh danh là Diều vàng nọ, Diva kia ầm ầm. Không thể phủ nhận sức đẩy của một thời kỳ ngắn ngủi chỉ có vài năm đối với cả nền âm nhạc Việt Nam, cũng như tầm ảnh hưởng trong việc nghe nhạc của khán/ thính giả và sự thay đổi vận mệnh của người nghệ sỹ.

Thế nhưng mà em vẫn thích quay lại với nhạc hải ngoại.

Những năm học ĐH em hay về qua nhà bà chị chơi với bọn trẻ con, bà chị lại hay mượn băng một nhà quen có cửa hàng cho thuê, và toàn là băng hải ngoại. Vì băng mới thì trong nước chả làm nhanh như thế, bù lại băng nhạc Thúy Nga em bỏ bẵng đi rất lâu không xem, giờ dồn lại cả đống mấy chục cuốn, thế là mình cứ dặn bà chị đi lấy dần về xem. Xem nhiều dần thành quen, dần dần lại đâm hay so sánh. Mà so mới thấy cái chuyện "xem" băng hải ngoại nó mãn nhãn bao nhiêu, thì xem băng Việt Nam nó nhem nhuốc bấy nhiêu. Sân khấu đẹp, ca sỹ đẹp, quần áo hơi rách một tí nhưng cũng đẹp, nhảy múa thì lại máu, mỗi tội ít bạn hát hay.

Nhưng mà từ đầu đã nói là "xem" ca nhạc rồi cơ mà, thế nên vẫn chịu được, và chịu tốt là đằng khác.

Thế rồi sang đến bên này thì hầu như nhạc Hải Ngoại là sự lựa chọn duy nhất, không xem thì chẳng có gì mà xem cả. Nghe thì dễ, Tùng Dương, Anh Khoa vân vân chỉ mấy chục mê một CD, vèo cái là lấy về được nhưng còn để xem thì các thể loại như Làn Sóng Xanh từ lâu đã khai tử nhé, DDVN ( có đứa độc mồm nó còn phiên dịch ra là dơ dáng việt nam ) giờ thì nhồi nhét quá nhiều ý tưởng vào một thời lượng có hạn qua những bàn tay vụng về và được tung hô bởi những cái mồm to to tướng được điều khiển bởi những cái đầu rỗng tuyếch ( câu này dài nhở ) làm em chán ngán đến tận cổ, thế nên em giờ thành fan trung thành của nhạc Hải Ngoại.

Nếu nhìn nhận một cách khách quan, thì "chất Việt Nam " trong các CT ca nhạc của Thúy Nga còn đậm đặc hơn những sản phẩm quốc nội gấp nhiều lần. Sau khi xem một bài hát, người xem - hay ít nhất là cá nhân em - cảm thấy mình được người làm ra sản phẩm âm nhạc kia trân trọng. Họ đặt mình vào vị trí của người thưởng thức, hỏi rằng nhu cần là gì và từ đó tìm ra câu trả lời, trình bày nó theo một phương thức tối ưu nhằm thỏa mãn khán/thính giả. Ca sỹ không phải là một ông hoàng hay bà chúa nào cả, không biểu diễn bằng một thái độ giống như thể đang ban ơn cho người xem. Họ chỉ là một phần của tác phẩm, nhiệm vụ của họ là truyền tải bài hát, bản nhạc đến người thưởng thức và họ cố gắng để làm tốt vai trò đó. Thế thôi. Họ hát và múa một cách chuyên nghiệp, chỉnh chu nhưng không kém phần linh hoạt, sáng tạo. Họ có nhiều tiền, cái này thì rõ nhưng cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề trong việc làm ra 1 sản phẩm nghệ thuật mới là cái quyết định.

Em không bàn đến khía cạnh chính trị hoặc phản động rơi rớt trong các CT trên nhá.

Và thế là em vẫn mong đợi mỗi khi chuẩn bị có một CT Thuý Nga mới chuẩn bị ra lò, trong lúc đó em lại tiếp tục công cuộc đao lốt nhạc Việt trong nước file MP3 chất lượng cao về để nghe. Nếp sống cân bằng đến thế là cùng.



Và việc xem nhạc của em Nam giờ là như thế đấy




***

* Em viết bài này nhân đọc bài về PBN 91 trong blog của nhạc sỹ Thái Thịnh. Nhạc sỹ giờ đã định cư ở Mỹ và cộng tác với TT Thúy Nga rất chặt chẽ. PBN 91 em xem rồi, chả hay như tưởng tượng, cơ mà không sao, lúc này lúc khác không vấn đề gì hết.


* Nhạc trên kia là song ca 2 bài về Huế trong số 91 của Họa Mi và Ý Lan.




Kommentare

Beliebte Posts aus diesem Blog

Oscar 2020

Hạt mận