Ta đã thấy gì trong đêm nay


Phim về một nhân vật thật, dù là lịch sử theo kiểu tài liệu hay tiểu sử có ít nhiều hư cấu, kiểu gì cũng chịu sự phán xét về tính "thật". Người xem kể cả vô thức cũng sẽ tìm cách ráp những gì đang thấy trên màn ảnh với những gì mình đã biết, hoặc tưởng mình biết. Và vì Trịnh Công Sơn là một tên tuổi lớn, lại khuất bóng chưa phải quá lâu nên nhân chứng vật chứng vẫn còn đâu đây, tranh cãi vì thế càng trở nên gay gắt. 

Bối cảnh trong phim rất đẹp. Một cái đẹp là kết quả của sự cẩn thận, kỹ tính và chịu chơi. Từng khung hình trong phim cũng thật, ít nhất với một người sinh năm 1981 như mình, mình thấy nhà hàng Nổi 5 sao hiện ra sống động như thể phim quay những năm 90 vậy, hay nhà của Khánh Ly khi cô cùng 2 đứa con sống ở Sài Gòn những năm 60s cũng rất thật, như những gì mình tưởng tượng về một Sài Gòn cũ. Những đại cảnh khác cũng cẩn thận và chỉn chu để không bị hớ hênh gì, ngoại trừ lúc ở quán Văn khán giả hơi ít với con số "cả ngàn" như nhạc sĩ có nói ^^

Những đoạn chuyển cảnh quá khứ hiện tại trong phim rất mượt mà, nhất là bởi luôn có 2 tuyến thời gian đan xen vào nhau trong hầu như toàn bộ phim. Nhạc của những khúc này - khi xem ở rạp - cũng như thể từ mono băng cối nhão nhoẹt bất chợt chuyển qua stereo sống động, âm thanh chạy vòng bao quanh lấy người nghe, gợi một cảm giác đắm chìm thực sự. Nhân nói đến âm nhạc, hầu như mình thích tất cả các bài trong phim, có bài nhiều bài ít nhưng bài nào cũng thấy hay, nhất là khi biết nhiều diễn viên thậm chí lần đầu tiên cất lời hát. Mình thật sự rất mong đợi OST nguyên vẹn không cắt của phim này để nghe cho đã. 

Mình thích diễn xuất của Hoàng Hà trong vai Dao Ánh, ra được nét trẻ trung trong sáng mà lại không hời hợt, nhất là khi đây là phim đầu tay của cô. Mình thấy Avin Lu kể cả đài từ cũng như diễn xuất đều ok, và việc lạm dụng nhiều hơn một lần góc quay từ trên cao để cho mặt bạn có nét ngớ ngẩn có lẽ không hẳn là lỗi của bạn. Đặc biệt Bùi Lan Hương rất xuất sắc để ra được nét vừa đơn thuần vừa tha thiết mà mình hình dung về nhân vật. Bùi Lan Hương khóc cũng đẹp, và thật. Cô đốt thuốc sành sỏi như thể đã có thâm niên hút thuốc từ bao năm nay, thật khó hình dung cô thậm chí còn phải tập để lên hình trông thành thạo.

Đã nói về sự hợp, thì phải nói tiếp về sự không hợp. Mình không nghĩ anh Trần Lực hợp với vai TCS. Ở anh có nét "cẩn thận" nào đó mà mình nghĩ khiến cho TCS kiểu Trần Lực luôn tỉnh táo, ngay cả khi anh thể hiện sự bàng hoàng, hay ngỡ ngàng, hay yếu đuối. TCS mà mình thấy trên báo, trong băng đĩa ... ở tuổi trung niên với đôi mắt đằng sau một cặp kính nặng độ có sự mong manh, cả tin thậm chí ngây thơ. Tạo hình của anh cũng đơn điệu và một màu (dù mình hiểu quãng đời TCS trung niên trên phim khá là ngắn), đôi khi trông anh phải già ngang với người mẹ. Và người mẹ, ôi một người mẹ Huế lúc nào cũng có cảm giác over trong từng phân cảnh. Mẹ có thể sốt ruột, mẹ có thể nôn nóng với hạnh phúc của con, nhưng mẹ cũng nên tiết chế để tạo ra cái cảm giác đằm của một người mẹ Huế cao niên.

Giọng Huế của anh Trần Lực, chị Khánh Huyền hay anh bạn gì mà phải cạo đầu tránh quân dịch thật là quá sức chịu đựng. Nó không chỉ rất-không-Huế mà còn gượng gạo phá mood kinh khủng. Giọng của Bùi Lan Hương khi nói có những lúc hơi đanh, và dù không dùng từ gì thô thiển nhưng gợi cảm giác mảnh sành chao chát. Nói riêng về sự bất bình của cô Khánh Ly với cách xây dựng hình ảnh bản thân trong phim này, mình tin rằng cô có toàn quyền comment vì nhân vật dựa trên cô, và cô thì vẫn còn sống. 

Có khen, có chê, nhưng rốt cuộc mình vẫn xem phim này 3 lần với 3 nhóm bạn khác nhau, tổng cộng mình đã tự mua tận 9 vé. Bất kể có những thứ không thích như đã kể, 3 lần xem mình lại thấy những điều hay mới, và những lúc nhạc nổi lên mình đều rất xúc động. Mình tiếc đã lỡ mất bản "Trịnh Công Sơn" để xem không biết có gì khác không. Và nếu bạn nào định rủ mình đi xem lần 4 thì cứ tự nhiên nhé ^^


Kommentare

Beliebte Posts aus diesem Blog

Ngồi ở Sài Gòn một buổi chiều đầy nắng nóng rát mặt, nhớ về một con hẻm ở Neustadt

Oscar 2020