The Whale - khi con cá voi nặng tựa một cọng lông vũ


Lâu lắm mới xem một phim khiến mình khóc oà như tối qua. Ngoài việc mau nước mắt do tuổi tác, diễn xuất của Brendan Fraser phải nói là xuất thần, rất nhiều trường đoạn sự đau khổ của nhân vật qua ánh mắt và giọng nói của Brendan trở nên đặc quánh làm người xem như thể cầm nắm được luôn ấy. 

Phim kể về tuần cuối đời của một người đàn ông béo phì. Cái chết đến từ từ, chậm nhưng chắc, là một sự thật mà nhân vật chính không tìm cách chối bỏ. Ông ấy vẫn tiếp tục dạy lớp viết văn qua mạng, tiếp tục ăn như nuối chửng những chiếc bánh pizza, tiếp tục lẩm nhẩm một mình một mỗi đêm trước khi đi ngủ. Phim đến đây có những lát cắt nhớ lại để người xem được nhìn vào phần đời trước đó của ông: một thầy giáo từ bỏ vợ con khi con gái mới được 8 tuổi để theo đuổi cuộc tình với một người đàn ông khác, người mà sau đó vài năm đã tự tử. Chính cái chết của người bạn đời đẩy nhân vật chính vào cơn triền miên của những bữa ăn fast food vô tận, để đến hiện tại ông phải nặng đến vài trăm kg. Hệ quả của số cân đó là ông hầu như không thể di chuyển, và tim cũng như các cơ quan khác sắp ngừng hoạt động đến nơi. Cô con gái - giờ đã khoảng 16, 17 tuổi - thỉnh thoảng đến thăm bố. Các cuộc nói chuyện giữa hai bố con lần nào cũng là một cuộc cãi vã - trong đó cô bé tuổi teen thì dằn vặt không thôi về việc người bố đã bỏ mẹ con cô như thế nào, còn người bố thì tìm mọi cách để hàn gắn, chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ. Ông thậm chí quyết định dùng tiền để "mua" những lần thăm của cô bé, bất chấp việc có thể dùng khoản tiết kiệm này để đi bệnh viện. Ông coi đó như nỗ lực cuối cùng để một lần trong đời làm việc đúng đắn. 

Người đàn ông đó coi những gì mình làm trong đời đều là sai: lập gia đình với một người phụ nữ trong khi thực tế là người đồng tính, bỏ vợ con đi theo tiếng gọi của tình yêu khi con còn nhỏ, không giúp đỡ được người bạn đời khiến anh ta phải tự tử, ăn uống vô độ đẩy bản thân vào tình trạng không thể tự chủ trong sinh hoạt ... Trong những sự thể được liệt kê ở trên, có những điều quả thật là sai và nếu được làm lại có lẽ ông ấy sẽ tiến hành nó theo một cách khác. Nhưng có những việc chắc chắn ông không thể làm khác đi. Bất chấp như vậy, nhân vật chính vẫn nhận hết trách nhiệm về mình và chưa bao giờ ngừng tin vào người khác. Đặc biệt, ông luôn tin rằng đằng sau cái dáng vẻ ngổ ngáo bất cần và vô lễ của cô con gái là một tài năng cần được nuôi dưỡng. Niềm tin đấy lớn hơn cả những liều thuốc trợ tim, hay chiếc bình ô-xy, đến mức mỗi khi không thở nổi ông lại nhờ người nào đó đọc lại những dòng cảm nhận - tuy thơ dại nhưng khá sâu sắc về tiểu thuyết "Moby Dick" mà con gái ông từng viết khi cô bé học lớp 8 -  để có thể vượt qua. Vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, một lần nữa ông lại phải dùng đến "liều thuốc" đó, lần này do chính cô bé đọc. Và như thế, con cá voi yên tâm bay lên trời, nhẹ như một cọng lông vũ. 

Mình không biết mình đã khóc vì cái gì! Liệu có phải đó là sự đồng cảm với một người đàn ông đồng tính cả đời luôn mang mặc cảm "ắt hẳn sự sinh ra của mình đã là sai rồi". Hay niềm thương xót một bệnh nhân cô độc tuổi xế chiều . Hay sự xúc động bởi tình người giữa nhân vật của Hồng Châu và Brendan. Hay sự ức chế pha lẫn thông cảm với thái độ của cô bé tuổi teen với cha. Hay tất cả những điều đó cộng lại. Phim để lại một nỗi buồn sâu sắc, và một dư vị ấm áp của tình yêu thương giữa con người với con người dù cho các cách yêu thương có khác nhau thế nào. Và chắc mình sẽ còn xem lại để khóc lại thêm nhiều lần nữa.

Dù điều gì có xảy ra vào lễ trao giải Oscar tuần tới thì vai Charlie của Brendan Fraser với mình cũng là nam chính của năm. 

Kommentare

Beliebte Posts aus diesem Blog

Ngồi ở Sài Gòn một buổi chiều đầy nắng nóng rát mặt, nhớ về một con hẻm ở Neustadt

Oscar 2020