Morgenidyll - Cảnh điền viên lúc bình minh hay là câu chuyện về những bông hoa mang mặt người

Tất cả bắt đầu bằng một bức tranh đời thường vẽ cảnh một thiếu nữ tưới cây bên cửa sổ mà mình tình cờ nhìn thấy. Trong khung hình, cô gái chống đầu gối trái lên ghế làm điểm tựa, mắt nhìn cái cây như thể đó là một em bé đang cần người mẹ chăm sóc. Có một con mèo chăm chú để ý từng biểu cảm trên nét mặt cô, bên dưới - chỗ cái bàn máy khâu – có một con mèo khác đang nhìn thẳng về phía người hoạ sĩ. Màu vàng sáng chủ đạo phủ lên không gian một vẻ tươi mới và hân hoan, như thể người xem có thể thấy được cả sự rộn ràng đang ngời lên bên dưới vẻ yên bình đời thường kia.


Cảnh điền viên lúc bình minh - 1893

Mình tò mò tìm kiếm thêm thông tin về ai là tác giả của bức tranh này, và từ đó một thế giới thần tiên mở ra.

Phần tiếp theo của bài viết này được dịch từ link này

Có nhiều câu chuyện nhất định phải được kể bằng những lời thầm thì. Ví dụ như truyện cổ tích về vương quốc hoa bí mật bên bờ sông, nơi sâu róm nhảy múa trên những bông hoa táo, và những nàng tiên bay bằng cánh bướm chẳng hạn. Đó là câu truyện cổ tích thế kỷ 19 được hiện hình hoá bởi Ernst Kreidolf, người tiên phong trong việc vẽ hình minh hoạ, người mà những bức tranh màu nước vô cùng tỉ mỉ của ông đã góp phần hoàn thiện thế giới thần tiên huyền ảo cho trẻ em ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới. Những quang cảnh trong truyện nhiều khi chỉ đơn thuần như là một đám hoa hướng dương đang tán gẫu trong vườn, hoặc cũng chính chúng đang cố biến những bông hoa chuông xanh thành những chiếc mũ tinh nghịch. Ernst Kreidolf nhìn ra được vẻ đẹp từ những điều ngọt ngào bé tí tẹo như thế, và chúng không ngừng nhắc nhở người đọc một cách đầy tế nhị rằng điều kỳ diệu (đầy ma thuật) mà bạn không ngừng tìm kiếm nhiều khi lại ở ngay trước mắt bạn, chỉ cần bạn để ý.
 






Tuổi thơ của Ernst được phân chia giữa cửa tiệm đồ chơi của người cha ở Đức, và nông trại đơn sơ của người ông ở Thụỵ Sĩ, nơi mà Ernst đã được nhắm là người thừa kế. Có lẽ đây cũng là lý do vì sao ông lại cực kỳ tài hoa trong việc chú ý đến từng tiểu tiết đầy mê hoặc của thế giới tự nhiên. Đến năm 16 tuổi Ernst có một suất học nghề hội hoạ, và ông bèn đến học tại trường Nghệ thuật và Thủ công Munich, cũng như tham gia vào những lớp hội hoạ vô cùng được ưa chuộng của Ludwig von Loeffz (một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh đời thường và phong cảnh nổi tiếng người Đức)


Ernst Kreidolf tại studio ở Munich năm 1900

Rủi thay đó cũng là lúc ông gặp vấn đề về sức khoẻ. Anh thanh niên Ernst liệt giường miễn cưỡng bỏ học và thu mình vào thế giới tưởng tượng của bản thân bằng việc đọc những truyện thần thoại và cổ tích quen thuộc. Chàng hoạ sĩ trẻ hầu như không bỏ phí chút thời gian nghỉ ốm nào, sớm quay trở lại làm việc với vai trò là gia sư môn vẽ cho công chúa Marie của Schaumburg-Lippe.

Ngày nay có khoảng 5000 tác phẩm của Ernst từ tranh cho đến các bản phác thảo được lưu trữ ở thư viện Burger tại Berne, Thuỵ Sĩ, nơi ông sống lúc cuối đời. Số lượng tác phẩm khổng lồ này hoàn toàn dễ hiểu nếu bạn biết rằng văn hoá dân gian có thể là nguồn cảm hứng dồi dào đến nhường nào. Truyền thuyết kể rằng một vị công tước đã có lời nguyền ngài sẽ đặt tên thành phố của mình theo tên con vật đầu tiên mà mình săn được - và đó là một con gấu (the bear). Kể từ đó, những ngọn núi bao quanh thành phố Berne đã trở thành chiếc nôi của các truyện ngụ ngôn về những sinh vật trong rừng.
 

Ernst Kreidolf tham gia ngày hội trẻ em ở Davos, khoảng năm 1927

Đó chính là nguồn cảm hứng bất tận cho Ernst. Và điều thú vị là mặc dù những bức tranh phong cảnh hoặc chân dung của ông thật đẹp, chính những hình minh hoạ cho truyện thiếu nhi của Ernst mới được nhiều người biết đến. Ông thật may mắn gặt hái được nhiều thành công trong suốt cuộc đời của mình, người ta coi ông như phiên bản Đức của J.M. Barrie và Lewis Carroll (nhà viết kịch và nhà văn nổi tiếng người Anh)…

Cuốn truyện cổ tích "Giấc mộng trong vườn" - được dịch ra thành "Truyện cổ về những loài hoa" vào năm 1898 đã là khởi nguồn của sự nghiệp vẽ minh hoạ của Ernst. Sau đó, cả tá sách khác được xuất bản, từ những làn điệu thơ ca du dương của trẻ nhỏ cho đến truyện kể về những chiếc thuyền đầy bươm bướm và lũ cây cối ngái ngủ ...
 

Chân dung tự hoạ

Ernst qua đời vào mùa hè 1956 ở thành Berne yêu dấu của ông. Thật trùng hợp, cuốn sách cuối cùng của ông có tên là "Bãi cỏ của vương quốc thiên đàng". Ông không được biết đến nhiều ở phần còn lại của thế giới, hay thậm chí ở cả ở châu Âu. Di sản của ông như một áng thơ ân cần tôn vinh sự vĩ đại của mẹ thiên nhiên – là điều mà chúng ta, ngay lúc này, có vẻ đang thực sự cần hơn bao giờ hết.

Kommentare

Beliebte Posts aus diesem Blog

Ngồi ở Sài Gòn một buổi chiều đầy nắng nóng rát mặt, nhớ về một con hẻm ở Neustadt

Oscar 2020